Gia Lâm, mùa hè 1990
Anh Thành năm nay 35, chưa lấy vợ, cả làng đồn anh: "Chẳng hay thằng ấy bị cái gì, mãi không lấy vợ, mợ nó nhỉ?". Người ta nhìn mãi cũng không đoán được anh bị "cái gì". Người đàn ông khỏe mạnh, cơ thể vẫn tráng lực, lại mang mác anh "cán bộ" làm việc tuốt trên Hà Nội, láng giềng nể anh thoát khỏi cái nghiệp thợ xây mà thằng nào trong làng này, hết tuổi 15, cũng bỏ học để xách vữa, xách vôi. Anh đi bộ đội rồi mới thi vào đại học ở cái tuổi ngoài 30. Nhớ cái năm anh đỗ đại học, xóm trên xóm dưới nó bàn, nó bảo cái họ nhà đấy sao khéo, đẻ được thằng nó thông minh quá! Cũng vẻ vang đấy, nhưng dầu có là cử nhân, là cán bộ hay là cái cóc khô gì, thì anh vẫn cứ là cái thằng chưa vợ.
Hôm nay là một chiều trong tuần bình thường, hết ca ở trên công ty, Thành lại ghé qua mấy bãi cát bến tàu bên sông. Anh Thành ban ngày đi làm, ban đêm đi buôn - anh buôn cát, buôn xi, anh đẻ ra ở cái làng thợ xây nên cứ thuận theo thời thế, đẩy về cho chủ nhà hay cho chủ thầu xây dựng quanh làng. Thành đi thẳng từ chỗ làm ra chỗ nhập hàng buôn, kiểm hết chuyến này, chuyển qua chuyến nọ, 10h đêm gã trai mới lại lọc cọc đạp xe về chợ gần nhà, nghĩ bụng đánh một bát cháo lòng với chén rượu rồi ngủ thẳng cẳng là khỏe re. Đời Thành đương đẹp, chẳng vướng bận điều gì, cứ kiếm tiền rồi về ăn ngủ, lâu lâu cũng biết chuyện trai gái với cô nọ cùng công ty, trông vô tư thoải mái biết bao. Mấy lão hàng xóm gần phố ghen tị ra mặt. Tầm giờ này mấy lão ấy nào con ị, con đái, vợ mắng, mẹ chửi, tiền kiếm bao nhiêu lại cun cút đưa hết cho con mụ già nằm cùng giường, nào ai được tiêu diêu tự tại như Thành. Hôm nay là một tối trong tuần bình thường, hết bát cháo loảng, đĩa dồi rối, đĩa lạc rang với vài chén rượu, Thành đạp xe về thẳng nhà.
Thành ở cùng bà chị gái. Cái chỗ anh ở cũng không biết có gọi là nhà hay không. Xóm chợ hồi ấy có con cống hay con mương cũng không rõ, đen xì và hôi thối. Gần con mương ấy lại có bãi đất trống nằm liền nhà bà chị gái. Không có ai quản lí đất đai, Thành cứ thế mang cọc mang cành, dựng thành hàng thành vách, tự ý chiếm lấy một mảnh đất gần mương. Ai động vào là cái gã cục tính khùng lên, gã vùng vằng, gã chửi bới, gã nói lý - mà cái anh cử nhân đại học nhiều chữ, nói lý không ai cãi nổi! Chiếm được miếng đất, Thành mấy tách ra, gia đình anh chị cứ ở nhà trên, còn cái kẻ không vợ không con thì nằm đâu chả ngủ được. Anh xây tạm căn nhà gạch bé bé con con, kê thêm cái giường, cái bàn với bộ nồi niêu, thế là thành hình căn nhà ở tạm. Hôm nay tưởng chừng cũng là một đêm trong tuần bình thường. Trăng treo trên kia sáng vằng vặc. Để xe vào một góc nhà, Thành lẳng lặng đi ra sau múc nước tắm gội. Quả là một ngày bận rộn hơn mọi ngày, nước lạnh dưới giếng theo từng gáo đổ ào ào làm nó bừng tỉnh. Ôi cái lạnh của thứ nước nằm sâu dưới lòng đất, sao mà nó buốt, lại đổ lên người một thằng còn đang ngà ngà cơn nóng của rượu và của tiết trời tháng 6 bể lửa, ôi sao mà nó lạnh thấy nhỉ!
Nhắm mắt là mùa hè, mở mắt thấy mùa thu, gió thu đang nhè nhẹ vờn trên cành lá ngoài sân viện. Đây đã là tháng thứ 3 Thành nằm trong phòng bệnh. Ban sáng bác sĩ vào tái khám, nói anh hãy còn mệt, nghỉ ngơi thêm tầm 2 tuần nữa rồi người ta cho ra viện. Bà chị gái khóc lên khóc xuống, "Ối em ơi là em ơi, sao em lại ra nông nổi thế này!", người ta phải lôi bà ra ngoài dỗ, còn để không gian yên tĩnh cho bệnh nhân ngơi nghỉ. Gã trai mới hồi nào khỏe như vâm, giờ lại nằm liệt một chỗ, mồm méo xệch, mắt lờ đờ, người gầy xọp. Cái thằng ấy, cả làng xót thương, gần 40, vợ chưa có, con chưa đẻ đã tai biến một lần, liệu tới cuối đời được mấy cơn nữa là "cái thằng ấy nó đi, mợ nhỉ?".
Thành ốm sốt miết 3 ngày liền từ cái đêm tắm trăng, ban đầu chỉ là cơn cảm mạo thông thường, qua một đêm không thuốc không thang, Thành lên cơn sốt. Gã nghỉ một hôm, ngẫm bụng thôi cứ ngủ, thanh niên trai tráng, ngủ cái là khỏi, có lẽ lần này ốm cũng chỉ như mọi lần khác. Thành ngủ li bì hết một ngày một đêm, tỉnh dậy vẫn là một đêm trăng sáng, cái bụng réo ùng ục mà Thành mệt quá. Cái thằng cộc cằn, ngày thường như hổ như báo, đêm nay lại rên khừ khừ như một con mèo già đương nằm chết dí ở một góc đường, con mèo khốn khổ bị chủ vứt bỏ trước khi chết đen chết đủi trong nhà người ta. Như một thói quen, gã trai rót chén rượu nếp, chép miệng: "Uống cái đã cho tỉnh ngủ!", rồi gượng dậy đi nấu nồi mì tôm. Xóm làng xung quanh đã li bì ngủ, một đêm hè tĩnh mịch, chỉ có thanh tâm của tiếng ve râm ran, tiếng chó tru - mèo gào, đáp lại tiếng ho khù khụ và tiếng húp mì xì xụp của gã trai nghèo ốm yếu. Thành quẳng đống nồi niêu vào một góc sân và lết về giường ngủ sau khi cái bụng gã đã căng tròn. Thành lại li bì, hôm sau còn nặng hơn hôm trước. Tỉnh dậy vào trưa ngày thứ 3, Thành biết cơ thể gã "xong" thật rồi. Mắt lờ đờ, miệng khô nước, đầu óc bắt đầu không được tỉnh táo, cứ u mê chập chờn. Anh thều thào muốn gọi nhưng miệng chẳng ra hơi, cái nóng mùa hè phả vào căn nhà gạch cấp 4 bí rì, oi ả như muốn thiêu muốn đốt cái thân Thành ra. Gã chưa chết được. Gã cứ nhìn ra ngoài khung cửa sổ, đợi một ai đó đi qua là gã sẽ lấy hết sức bình sinh để gào lên nhờ vả. Chẳng ai đi qua cả. Người ta đi ầm ầm, đi ồn ào ngoài chợ ngoài ngõ - nhưng tuyệt nhiên chẳng ai đi qua cái sân sau này để mà dòm vào nhà Thành. Gã chưa chết được. Gã còn cô em gái chưa kịp lấy chồng, gã còn phải lo của hồi môn cho em gái. Gã còn ông anh cả mới lấy vợ, gã còn phải về quê dạy cho các cháu biết cái chữ, biết lấy đại học là cái gì, biết rằng hết tuổi 15 là chưa được đi cầm bay xách vữa. Gã vẫn đương yêu và biết yêu, gã vẫn muốn lấy vợ.
Ngày ra viện, Thành ngồi bần thần ở một góc giường sau một phe dạo qua cửa tử. Ông anh cô em ở dưới quê lên cứ trách bà chị liền nhà sao vô tâm thế, em nó mấy ngày ốm sốt li bì mà chẳng phát hiện ra, đến lúc đưa vào viện thì cơn sốt lên đến trên 40 độ, bắt đầu có biến chứng ảnh hưởng đến dây thần kinh mắt. Bà chị thì bù lu bù loa, ấy là chị cũng khổ, cậu ấy khỏe mạnh, ngày thường cứ đạp gió đi mây, ai biết đấy là đâu, ở liền kề mà ăn riêng, ngủ riêng, anh chị cũng đi làm đi ăn, cũng một nách bốn đứa, chẳng may sự nó như vậy, chứ có chị nào ác mà biết em ồm rầy kệ. Kể cũng khổ, cái thời này hết chiến tranh được mới mười mấy năm nên khổ vẫn còn khổ, đời ai nấy lo, khó mà trách bà chị. Mà cơ là bác sĩ cũng nói, Thành tai biến nào phải vì riêng cơn sốt. Cái người thằng ấy, chưa đến 40 mà huyết áp cao không biết, tiểu đường không hay, cơn sốt kéo dài chỉ như ngọn lửa mồi, bệnh nọ lan bệnh kia và dẫn đến cái thân xác như thế này. Nhưng giờ, dầu có nghĩ, có tìm ra cái lí do, tìm người để trách móc thì sự cũng rồi. Ốm cũng ốm rồi. Tai biến cũng tai biến rồi. Giờ phải nghĩ làm sao để sống tiếp với huyết áp, với tiểu đường và với một bên mắt lác lệch như này. Năm ấy Thành mới 35 tuổi.
Comentários